Đăng Ký Học
Ngày 10/10/2024 16:32:37, lượt xem: 141
* Nội dung chính:
- Đổng Kim Lân củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu chống Tạ Thiên Lăng. Cánh thái sư cố thủ trong thành, Tạ Thiên Lăng bắt mẹ của Đổng Kim Lân làm con tin, nếu Kim Lân phá thành chúng sẽ giết mẹ ông.
* Một số điều cần lưu ý khi đọc văn bản:
1.
- Trong đoạn trích cũng như trong toàn vở kịch, tác giả sử dụng rất nhiều lối nói đối với tần số xuất hiện khá dày của từ ngữ Hán Việt. Điều đó tạo nên không khí trang trọng của vở kịch. Mượn chuyện nước người để nói nước mình là thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại. Bởi các tác phẩm tuồng cung đình thường được biểu diễn tại những nơi trang trọng để giáo dục lòng trung nghĩa. Nhưng ngôn ngữ Việt vẫn là chủ yếu chứ không phải từ Hán Việt. Nói chung tiếng Việt trong Sơn Hậu nôm na, mộc mạc, gần với khẩu ngữ hơn là gần với ngôn ngữ bác học như trong các truyện Nôm hay thể ngâm khúc của thời này.
- Ngôn ngữ trong Ngao sò ốc hến là ngôn ngữ dân gian, từ địa phương, từ khẩu ngữ thông tục sử dụng hàng ngày.
2.
Thuộc thể loại Tuồng thầy, “Sơn Hậu” (hay còn gọi là San Hậu) chính là một trong những vở kinh điển nhất trong kho tàng nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc. Những tích từ vở này như ““Khương Linh Tá thử Lê Tử Trình”, “Kim Lân Qua Đèo”, “Ôn Đình Chém Tá”, vv.. đều đã trở thành những trích đoạn nổi tiếng của nghệ thuật Tuồng và hay được tiến hành phục dựng cho đến ngày nay.
I. Tóm tắt nội dung
Vua Tề đã già mà chưa có con. Một hôm vua nằm mộng thấy điềm lành, mới cho Phàn Phụng Cơ, con gái Phàn Định Công vào cung phong chức Tây cung thứ hậu. Thứ hậu được vua yêu sủng, nên bà chánh cung là Tạ Ngọc Dung ghen ghét. Vừa lúc Tề vương lâm bệnh nặng, chánh cung cùng em ruột là Thái sư Tạ Thiên Lăng lập mưu chiếm ngôi báu. Trên có chánh cung, dưới có ba em trai là Ôn Đình, Lôi Phong, Lôi Nhược giúp sức, Thiên Lăng lập Tiểu giang sơn, mời bá quan dự yến. Các quan đến dự yến đều khép nép. Chỉ có Triệu Khắc Thường đứng lên công kích, liền bị Ôn Đình chém đầu ngay giữa tiệc. Vua Tề băng hà, Thiên Lăng liền tiếm vị. Khi ấy thứ hậu đã có thai, Thiên Lăng muốn giết thứ hậu cho tiệt nòi họ Tề, nhờ có bà Nguyệt Kiểu (có khi đọc là Nguyệt Hạo, vì “Kiểu” cũng là một tên của vua Minh Mệnh), chị Thiên Lăng xin hoãn lại để cho thứ hậu sinh đẻ, tránh lời ta thán của thiên hạ. Lại nhờ có những trung thần như Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân và Thái giám Lê Tử Trình, nên Nguyệt Kiểu sắp đặt cho thứ hậu trốn được. Được tin, Tạ Ôn Đình đuổi theo giết được Linh Tá. Hồn Linh Tá hiện thành ngọn đèn đưa Kim Lân qua ải. Kim Lân đến thành Sơn Hậu gặp Phàn Diệm là con Phàn Định Công. Còn thứ hậu trên đường đi lánh nạn lại gặp bà Nguyệt Kiểu đang tu ở một ngôi chùa. Hôm sau hai bà đi lễ chùa bị một ác tăng định cưỡng hiếp. Hai bà không thuận, bị ác tăng trói lại để chờ thiêu. Kim Lân và Phàn Diệm được Hộ pháp báo mộng hai bà đang mắc nạn. Kim Lân và Phàn Diệm lên Tây Sơn tự cứu hai bà vừa xong thì tiếp đến việc Ôn Đình bắt mẹ Kim Lân treo lên thành hòng bức Kim Lân đầu hàng Tạ. Được Phàn Diệm cầu cứu, bà Nguyệt Kiểu cho treo bà lên để Ôn Đình thương chị mà tha mẹ Kim Lân. Do mưu của mình không thành, Ôn Đình lại khiêu chiến. Hồn Linh Tá hiện lên chém đầu Ôn Đình, còn Phàn Diệm chém được Lôi Phong. Thiên Lăng thấy nguy bỏ chạy lên chùa, nhờ chị là Nguyệt Kiểu cứu. Bà Nguyệt Kiểu xin Kim Lân tha giết em. Trừ xong họ Tạ, Kim Lân tôn Hoàng tử con thứ hậu lên ngôi, khôi phục nhà Tề.
II. Nguồn gốc
Để nói về nguồn gốc của vở Tuồng này thì chúng ta có thể khẳng định rằng đây hoàn toàn là một tác phẩm thuần Việt. Ngoài việc mượn tên thời đại “Tề triều” (Thời Tề) ra, thì cách xây dựng hình tượng nhân vật của Sơn Hậu là vô cùng độc đáo và không thể được tìm thấy trong một tác phẩm nào khác.
Khẳng định điều này để ta có thể đi tiếp tới câu hỏi tiếp theo: “ Vậy Sơn Hậu đã được ai sáng tác ?”. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra rằng, Đào Duy Từ chính là người đã viết nên vở Tuồng này. Điều này tuy đáng chú ý nhưng hiện tại vẫn chưa có tài liệu, dấu tích nào có thể xác minh được tác giả của vở này. Nhưng từ cốt truyện của “Sơn Hậu”, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tác giả của vở này đã sống trong khoảng thời gian Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Về lịch sử thời Trịnh – Nguyễn phân tranh: Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê lập ra nhà Mạc. Năm 1533, tướng cũ của nhà Lê là Nguyễn Kim lập con vua Lê Chiêu Tông lên ngôi, tức là Lê Trang Tông. Năm 1545, Nguyễn Kim bị sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Để nắm trọn binh quyền, Trịnh Kiểm đầu độc giết con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Em của Uông là Hoàng lo sợ bị anh rể hại, nên nghe theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm cho rằng đất ấy là nơi xa xôi, hoang vu nên đồng ý cho đi, nhằm mục đích mượn tay quân Mạc giết Hoàng. Tuy nhiên, không những đánh bại quân Mạc, Nguyễn Hoàng còn lấy được lòng dân Thuận Hóa. Năm 1593, Trịnh Tùng triệu Nguyễn Hoàng ra Bắc với lý do để cùng đánh tàn dư họ Mạc còn tản mát ở Bắc bộ. Hoàng vâng lệnh mang quân ra bắc, phá tan quân Mạc ở Hà Trung và Sơn Nam, sau đó được Tùng giao trách nhiệm trấn giữ Sơn Nam. Nguyễn Hoàng đóng quân ở Sơn Nam được 8 năm cố tìm cách thoát về nam. Năm 1600, nhân họ Mạc nổi dậy, Hoàng ngầm xúi giục các hàng tướng Mạc cũ là Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga nổi loạn để lấy cớ đi dẹp. Trịnh Tùng mải đối phó họ Mạc ở Cao Bằng, họ Vũ ở Tuyên Quang (tức Chúa Bầu) nên đồng ý cho Nguyễn Hoàng đi dẹp. Hoàng nhân cơ hội đó chạy thẳng ra biển đi thoát về nam. Mâu thuẫn hai dòng họ Trịnh, Nguyễn ngày càng trở nên gay gắt. Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, người con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, tức là Sãi vương (hay chúa Sãi). Phúc Nguyên càng đẩy mạnh công cuộc cắt đứt quan hệ với họ Trịnh. Năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng qua đời, con là Trịnh Tráng lên thay, tức là Thanh Đô Vương. Năm 1620 Trịnh Tráng lấy cớ là họ Nguyễn không tuân theo chiếu dụ của vua Lê, không chịu nộp lễ vật, bèn cất quân tiến đánh họ Nguyễn. Thế là cuộc nội chiến kéo dào suốt từ 1627-1672, phải nhờ đến cuộc khởi nghĩa vĩ đại của ba anh em Tây Sơn bùng nổ (1771), nước nhà mới được thống nhất.
Trong bài viết “Tìm hiểu xuất xử của vở Tuồng “Sơn Hậu” qua văn bản Hán Nôm” của Phạm Đức Duật trên trang “Viện nghiên cứu Hán Nôm”, ông đã nêu một số điểm tương đồng giữa nội dung của vở Tuồng này với những sự kiện lịch sử thời đó, tóm tắt như sau:
1. Tuồng “Sơn Hậu”: Vua Tề chết, anh em họ Tạ tiếm ngôi, những trung thần nhà Tề như Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân, Lê Tử Trình, Triệu Khắc Thường… lo toan chống lại. Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá là hai người đồng chí uống máu ăn thề, kết tình huynh đệ, nguyện chiến đấu lập lại giang sơn nhà Tề. Sau đó, tuy nhiên, Tá đã bị Tạ Đình Ôn giết hại khi đang cố gắng giải cứu thứ hậu. Bên cạnh hai người đồng chí sống chết có nhau ấy, còn có lão quan Lê Tử Trình cũng dốc lòng phò vua cứu nước. Nguyệt Kiểu thấy rõ hành động phản nghịch của các em mình, ra sức giúp Thứ hậu trong mình mang giọt máu nhà Tề.
Lịch sử Việt Nam cũng có những sự kiện tương tự như vậy. Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền. Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng bị Kiểm ghen ghét. Nguyễn Uông bị Kiểm sát hại. Nguyễn Hoàng bàn tính với người anh mẹ mình là Nguyễn Ư Kỷ đến nói với chị là Ngọc Bảo (vợ Kiểm) xin Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa.
Nếu trong “Sơn Hậu” có Lê Tử Trình, Nguyệt Kiểu hết lòng vì nhà Tề, thì giai đoạn lịch sử ấy cũng có Nguyễn Ư Kỷ, Ngọc Bảo là những người đã bàn mưu tính kế giúp Nguyễn Hoàng vượt vào trấn thủ Thuận Hóa.
2. Tuồng “Sơn Hậu”, sau khi anh em họ Tạ lập Tiểu giang sơn, Nguyệt Kiểu là chị Tạ Thiên Lăng tự cảm thán rằng:
Ngó xem Tề thất
Thế đã cheo leo
Đêm canh gà gác phụng vắng teo,
Trưa bóng ác màn rồng hờ hững.
(Những cơn quốc gia điên nguy dường này)
Ít kẻ mưu gia mưu quốc,
Nhiều người ỷ thế ỷ thần.
Lòng ta ái ngại phân vân,
Em thiếp Thiên Lăng phản loạn.
Đọc lịch sử, chúng ta thấy năm 1599, Trịnh Tùng xưng làm Đô Nguyên soái Tổng đốc chính thượng phụ Bình an vương, lập riêng vương phủ, sắp đặt quan lại, thâu tóm quyền hành trong nước. Họ Trịnh thế tập xưng vương từ đó và mở đầu thời kỳ “vua Lê chúa Trịnh”. Vua Lê chỉ có 5000 quân túc vệ canh phòng trong cung điện, hằng năm được thu thuế 1000 xã làm bổng lộc, gọi là lộc thượng tiến. Quyền hạn vua Lê thu hẹp trong một số nghi thức thiết triều, hay tiếp sứ ngoại quốc mà thôi. Triều đình vua Lê đặt dưới sự điều khiển của phủ chúa. Và chỉ có một số quân binh canh giữ, một số quan văn võ vô quyền thỉnh thoảng vào chầu để giữ lấy một thể thống đế vương hình thức. Thời kỳ Lê trung hưng thực chất chỉ là thời kỳ chuyên quyền của họ Trịnh. Ngai vàng vua Lê là nhãn hiệu bề ngoài, một quân cờ trong tay chúa Trịnh. Đối với vua Lê, chúa Trịnh tự ý phế lập, nhằm đưa lên ngôi những ông vua trẻ con, dễ bảo, hay những ông vua nhu nhược cam tâm đóng vai trò bù nhìn. Nhiều vua Lê đã bị ám hại chỉ vì muốn làm vua thực sự mưu chống lại chúa Trịnh chuyên quyền. Ngay cả một số nghi thức triều yết tối thiểu có tính hình thức cũng dần dần bị chúa Trịnh hủy bỏ hay xâm phạm. Từ đời Trịnh Tạc (1657-1687), các chúa Trịnh vào triều yết không quỳ lạy, không xưng tên và tự tiện ngồi ngay bên trái chỗ “ngự tọa” ngang hàng với vua. Trước kia hàng tháng vào ngày sóc vọng, chúa Trịnh và các quan phải đến chầu vua ở điện Vạn Thọ, nhưng về sau chúa Trịnh cũng bỏ nghi lễ ấy. Triều đình vua Lê ngày càng vắng vẻ, chỉ là chỗ an nghỉ, hay đúng hơn là chỗ giam cầm nhà vua, không còn là cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước phong kiến như trước nữa.
3. Tuồng Sơn Hậu khi Tạ Thiên Lăng lên ngôi, sai sứ giả đem chiếu đến Sơn Hậu bắt quy phục, Phàn Định Công đã chém sứ, xé chiếu rồi mang quân tiến về triều đình đánh anh em họ Tạ. Nhưng vừa ra quân, Phàn Định Công liền bị bệnh chết. Phàn Diệm là con trai Định Công xưng vương:
Tạ trào đình, phàn cũng trào đình,
Mỗ lập mỗ vi vương Sơn Hậu.
Phàn Diệm kế tục ý chí của cha tiến quân về triều diệt Tạ.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn này cho thấy năm 1629, Trịnh Tráng sai Nguyễn Khắc Minh đem sắc vua Lê phong cho Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) tước Thái phó quốc công, cho cai trị hai xứ Thuận Quảng và đòi phải đem quân ra Bắc đánh họ Mạc. Chúa Nguyễn nhận sắc và tìm lời thoái thác. Đến năm 1630 khi đã đắp xong lũy Trường Dục, có đủ sức tự vệ, chúa Sãi sai Nguyễn Văn Khuông ra Bắc, đem lễ vật để trên một chiếc mâm đồng hai đáy, bên trong dấu tờ sắc và bốn câu thơ:
Mâu nhi vô dịch,
Mịch phi kiến tích.
Ái lạc tâm trường,
Lực lai tương địch.
Mà theo giai thọa là đã được Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan giải ra là “Ta không nhận sắc.”
Đến năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát bỏ tước công, tự xưng vương hiệu, sai các triều thần làm biểu suy tôn với lời lẽ ngạo mạn: “Chính danh phận bắt đầu trong một nước duy tân, mở lễ nhạc sau trăm đời tích đức. Trước kia Thành Thang chỉ có 70 dặm còn mở được cơ nghiệp nhà Thương, huống chi ngày nay dư đồ rộng 3000 dặm, thực đáng hưởng ngôi bá vương vậy” (Phủ biên tạp lục quyển 1. Tiền biên quyển 10). Nguyễn Phúc Khoát sai đúc ấn “Quốc vương” thay thế ấn “Tống trấn tướng quân” và “Tiết chế thủy bộ tư dinh” trước đây. Còn đối với các thuộc quốc thì chúa Nguyễn tự xưng là “Thiên vương”. Sau đó Nguyễn Phúc Khoát lo xây dựng chính quyền họ Nguyễn ở Phú Xuân như một triều đình, nuôi mưu đồ tiến quân ra Bắc tiêu diệt Trịnh.
4. Tuồng Sơn Hậu: Phàn Diệm tiến quân về triều với ba mục đích: “Một, rửa hồn phục nghiệp cho Tề quân; hai, vấn tội trả thù cho thân phụ; ba là lãnh thất giam cầm tỷ nương. Y lệnh mỗ nghiêm răng đãi thời nhi cử sự”.
Theo lịch sử, họ Nguyễn muốn tiến quân ra Bắc cũng nhằm ba mục đích: Tiêu diệt họ Trịnh, giành lại địa vị cũ của dòng họ mình, tiêu diệt nốt dư đảng nhà Mạc để trả thù cho cha (Nguyễn Kim), cứu thoát con gái là Ngọc Tú, con trai thứ năm là Hải và người cháu là Hắc khỏi tay họ Trịnh.
5. Về địa danh Sơn Hậu được tác giả lấy trong chuyện Dương Nghiệp đời Tống (Trung Quốc). Nhưng hai chữ “Sơn Hậu” đã hàm ý gì ? Nếu ngày xưa chúa Nguyễn trả lời chúa Trịnh bằng bốn chữ “Dư bất thụ sắc” mà phải nhờ đến Phùng Khắc Khoan chiết tự mới đoán ra được thì biết đâu hai chữ “Sơn Hậu” là tên vở tuồng, tác giả lại chả muốn để người đời sau chiết tự tìm ý nghĩa sâu xa của nó? Ta còn nhớ, trước khi Nguyễn Hoàng xin vào trấn đất Thuận Hóa, cho người đến hỏi ý kiến cụ Trạng Trình, cụ đã khuyến khích thêm ý nghĩ cát cứ của Nguyễn Hoàng với câu nói đầy ý nghĩa “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn, dung thân muôn đời). Thuận Hóa là miền đất phía sau dãy Hoành Sơn. Nếu chiết tự “Sơn Hậu” là sau núi, biết đâu Sơn Hậu thành lại chả ám chỉ địa phận cát cứ của họ Nguyễn. Còn danh từ “Tiểu giang sơn” trong tuồng Sơn hậu chẳng khác gì tân đô Cổ Bi của họ Trịnh. Xem tuồng Sơn Hậu, việc Phàn Diệm xưng vương như một điều thiếu logic với thực tế của vở tuồng. Bởi vì nếu thực họ Phàn muốn đem quân về triều tiêu diệt họ Tạ lập lại cơ nghiệp cho nhà Tề, thì cứ đường đường chính chính lấy danh nghĩa phù Tề, diệt Tạ mà tiến đánh, việc gì phải xưng vương. Nhưng thực tế lịch sử, họ Nguyễn đến đời Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng vương để đối lập với việc xưng vương của họ Trịnh. Cho nên tác giả đã trung thành với sự kiện lịch sử ấy mà cho Phàn Diệm xưng vương.
Ở cuối bài viết của mình, ông Phạm Đức Duật đã kết luận lại rằng:
– Vở tuồng Sơn Hậu phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam từ khi Nguyễn Kim chết (1545) đến khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1744).
– Tác giả tuồng Sơn Hậu là người Đàng Trong sáng tác với ý thức tôn phù họ Nguyễn.
– Tuồng Sơn Hậu ra đời ở Đàng Trong sau khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1744) đến hết đời Nguyễn Phúc Khoát (1765).
Vậy chúng ta có thể thấy rằng “Sơn Hậu” nói riêng và Tuồng nói chung đã khai thác và xuất phát từ các hiện thực trong cuộc sống.
III. Giá trị nội dung
Như đã nói ở trên, vở “Sơn Hậu” chính là một trong những vở tuồng phải nói là mẫu mực nhất trong nghệ thuật Tuồng. Không chỉ có thế, tác phẩm đã được chính tay cụ Đào Tấn nhuận sắc và chỉnh đốn. Chính vì thế, nội dung của vở “Sơn Hậu” phản ánh tinh thần của giới sĩ phu hồi hậu bán thế kỷ XIX, khi triều đình nhà Nguyễn bắt đầu suy vong, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.
Triết học của nước ta xưa chịu ảnh hưởng lớn từ hai nguồn tư tưởng là Nho giáo và Phật giáo. Tuồng cũng không thể ra ngoài nền tảng của hai nguồn tư tưởng này. Vì vậy, như trong vở Tuồng “Sơn Hậu” thì chúng ta có thể thấy rõ được những luân lý, đạo đức phong kiến như Tam cương (quân, sư, phụ) và Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tin) đã được đề cao. Không khác với những vở tuồng thầy khác, “Sơn Hậu” vẫn nằm trong khuôn khổ rằng kẻ làm ác cuối cùng sẽ phải đền tội (gieo gió, gặt bão), người hiền lành được hưởng phúc (ở hiền gặp lành), dù có chết đi cũng trở thành Tiên, Thánh, ân đền, oán trả, sau những giai đoạn điêu linh khổ sở lại được vui hưởng an bình (hết cơn bĩ cực đến thời thái lai).
Thông qua sự kiện tiếm ngôi và cuộc chiến đấu không cân sức giữa chính nghĩa với gian tà, nịnh thần với trung thần, “Sơn Hậu” đã thể hiện rất rõ chủ nghĩa anh hùng truyền thống bất tử của dân tộc. Phàn Định Công chặt đầu tên sứ quan của triều ngụy đến dụ hàng, lấy máu nó đề cờ phục quốc, để rồi chết khi đang trên lưng ngựa lúc hành quân “cứu khốn phò nguy”. Khương Linh Tá ba lần bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu vẫn tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu ngăn quân Tạ để cho Đổng Kim Lân thoát nạn. Mãi đến khi sức cùng lực kiệt thì hóa thành ngọn đèn soi đường cho Đổng Kim Lân vượt khỏi rừng núi hiểm nghèo. Hay như hình tượng người mẹ bà Đổng Mẫu anh hùng, dù bị Tạ Ôn Đình đưa lên giàn hỏa thiêu, Khí tiết của bà sáng ngời, tư thế của bà lẫm liệt. Bà coi cái chết nhẹ tựa lông hổng quyết hi sinh để bảo toàn danh tiết. Bà còn không quên dặn con mình rằng:
“Con hãy ngay cùng nước cùng vua
Ấy là thảo với cha với mẹ.
Hãy phò an nghiệp chúa,
Cho rạng tiết nhân thần”.
Quả đúng như lời thoại của Đổng Kim Lân trong chính vở tuồng này: “Xưa có kẻ lo vì việc nước, bỗng nửa đêm mọc lại mặt trời”, mọi nhân vật chính nghĩa trong Sơn Hậu đều hết lòng giữ tròn đạo trung.
Để bàn về hình tượng xây dựng nhân vật thì ta có thể thấy rằng như các kịch bản văn học Tuồng cung đình khác, các nhân vật trong Sơn Hậu luôn được khắc họa tính cách theo kiểu một chiều mà không hề có sự chuyển biến. Không có nhân vật ban đầu tốt, sau trở thành xấu và ngược lại. “Sơn Hậu” đã đạt tiêu chuẩn mẫu mực về sáng tạo tính cách: bốn anh em họ Tạ đều là cánh họ nịnh, hoặc cái nòi nịnh vậy mà tính cách mỗi người một khác, Thiên Lăng gian hùng, Ôn Đình gian ác, Lôi Phong gian manh, Lôi Nhược vừa gian trá vừa ngây ngô. Về phía phe trung cũng vậy, Triệu Khắc Thường cương trực, Khương Linh Tá vũ dũng, Đỗng Kim Lân cơ trí, Lê Tử Trình nhu nhược. Ngay ở trong dòng họ nịnh cũng xuất hiện một Nguyệt Kiểu (tức Nguyệt Cảo) rất trung hậu. Để nói thêm về nhân vật này, có trích đoạn khi Nguyệt Kiểu được bà chánh cung là Tạ Ngọc Dung gọi vào để lôi kéo hãm hại thứ hậu, bà không những không hề đồng ý tham gia vào mưu đồ tạo phản của chánh cung mà còn coi việc thứ hậu có thai là một phúc lợi tốt cho nhà Tề. Có thể nói, tác giả cố ý điểm một chấm đỏ trên mảng màu đen, viền một đường vàng chung quanh sắc đỏ, chứ không miêu tả tính cách một cách đơn điệu, khô khan.
Nói chung, vở tuồng “Sơn Hậu” chính là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn của dân tộc Việt Nam: cốt cách anh hùng phi thường, lòng trung nghĩa sắt son, và những sự hi sinh vô cùng cao cả. Tình bạn đẹp đẽ và cao quý của Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá, sự cương trực của Triệu Khắc Thường, hình ảnh khảng khái của Đổng mẫu trước quân thù, hay lòng thương người của Nguyệt Kiểu sẽ luôn là hình ảnh đẹp sẽ in mãi trong tâm trí những ai đã có may mắn được thưởng thức kiệt tác Tuồng – “Sơn Hậu”.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 10 - 2K9
Tin liên quan